Sống Mòn - Nam Cao

Cuốn tiểu thuyết này ông viết xong tại Đại Hoàng vào ngày 1/10/1944.

"Mặc dù bản thảo Sống mòn đã được nhà văn Nam Cao hoàn thành từ trước Cách Mạng nhưng phải đợi tới sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc cuốn tiểu thuyết mới lần đầu ra mắt độc giả.

Có lẽ là vì thế, vì được xuất bản khi thời đại đã chuyển nên Sống mòn như bị lỡ mất nhịp, không làm thành một sự kiện lớn trong dư luận văn học hồi bấy giờ. Rồi liên tiếp sau đó là những biến động lớn lao và không ngừng cho tới tận năm 1975 của đất nước khiến cuốn tiểu thuyết có chiều nội tâm quá sâu và quá nặng ưu tư ấy vốn đã không thể có đông người đọc càng ít người đọc hơn, vốn đã quá kín đáo và kín tiếng lại càng bị chìm tiếng đi giữa một thời đại văn học bừng bừng hào khí và đầy những tiếng động vang dội.

Ngày nay, Sống mòn đã được nhắc tới nhiều hơn, nhưng vẫn có vẻ là được nhắc tới một cách lớt phớt. Dường như chính tầm cỡ những truyện ngắn của Nam Cao đã tạo nên một định kiến rằng Nam Cao là tác gia truyện ngắn, sự nghiệp để đời bằng truyện ngắn, chỉ truyện ngắn.

Tuy nhiên khi độc giả chịu chấp nhận thách thức của sự khó đọc và không hấp dẫn của một tiểu thuyết không trọng cốt truyện, không trọng tình huống, không trọng hành động, không trọng đối thoại, chỉ những miên man nghĩ và nghĩ mà thôi, sẽ thấy rằng sự nghiệp Nam Cao không thể sống mãi nếu vắng Sống mòn.

Xét riêng thời kỳ tiểu thuyết trước năm 1945, tức là buổi đương thời thực sự của Sống mòn, thì Sống mòn không phải là tác phẩm tiêu biểu. Không tiêu biểu, bởi vì Sống mòn là một hiện tượng đơn nhất, duy nhất, là một cái gì đấy khác biệt và cách biệt hẳn về chất so với mọi tác phẩm được coi là tiêu biểu của tiểu thuyết thời kỳ đó. Cả của những thời kỳ sau, cả của bây giờ. Bút pháp tiểu thuyết của Nam Cao vượt xa bút pháp đương thời của không chỉ tiểu thuyết Việt Nam.

Cho đến ngày hôm nay Sống mòn vẫn xứng đáng được coi là một trong những tác phẩm hàng đầu của tiểu thuyết VN. Thậm chí nếu được yêu cầu chỉ kể tên một tác giả và một cuốn thôi chắc chắn sẽ có không ít độc giả nói rằng đó là Nam Cao, đó là Sống mòn.

Thế nhưng, dù vậy, thành tựu hết sức đáng tự hào và đáng để kiêu hãnh ấy của tiểu thuyết VN cho đến nay vẫn thực sự là đang “sống mòn”. Đây có thể là trường hợp tiêu biểu cho tình trạng các kiệt tác bị chìm bóng dưới bụi thời gian...". (Theo Văn Nghệ Trẻ).

Trích đoạn:

"... Thứ đứng tựa mạn tàu… Người ta không thể ước ao một buổi sáng đẹp hơn. Trời xanh lơ, tươi màu như mới quét sơn. Một vài túm mây trắng, lửng lơ. Không gian như rộng quang ra, ánh nắng chan hòa và rực rỡ. Nhưng Thứ buồn…

Y nhìn lại đằng sau, Hà Nội lùi dần như muốn bỏ y. Đời y cũng lùi dần. Biết bao nhiêu là ước vọng cao xa khi còn ngồi trên ghế nhà trường! Cái đầu tóc mới nuôi có bao giờ thèm mong sau này thành một ông phán tầm thường, mắt cận thị và lưng gù, tháng tháng lĩnh lương về nuôi vợ nuôi con? Y sẽ đỗ thành chung, y sẽ đỗ tú tài, y sẽ vào đại học đường, y sang Tây. Y sẽ thành một vĩ nhân đem những sự đổi thay lớn lao đến cho xứ sở mình. Ra khỏi trường, y thấy mình gần như một phế nhân. Vào Sài Gòn, y đã làm một kẻ lông bông. Tuy vậy mấy năm ở Sài Gòn, cũng còn là một quãng đời đẹp của y, ít ra, y đã hăm hở, y đã náo nức, y đã mong chờ. Y đã ghét đã yêu. Y đã say mê. Y đã ngồi ở thư viện không biết mỏi lưng và đón một dịp đi Pháp không biết nản… Về Hà Nội, y sống rụt rè hơn, sẻn so hơn, sống còm ròm. Y chỉ còn dám nghĩ đến chuyện nuôi sống y với vợ con y. Nhưng chưa đến nỗi hỏng cả mười phần. Ít ra, y cũng còn làm được một việc gì, còn kiếm nổi bát cơm của mình ăn. Nhưng nay mai, mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, sẽ mục ra, ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y, rồi y sẽ chết mà chưa làm được gì cả, chết mà chưa sống!...

Nghĩ thế thì thấy nghẹn ngào, thấy uất ức vô cùng! Không! Y sẽ không chịu về quê. Y sẽ đi bất cứ đâu, mặc rủi may, sống bất cứ thế nào, chết thế nào cũng được. Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới thật là nhục nhã. Y sẽ đi và bất cần tất cả!... Nhưng Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần… và đời y cũng lùi dần. Y đang lùi về một xó nhà quê. Con tàu chở y về. Y cưỡng lại làm sao, bởi vì y đang ở trên con tàu đó. Chiều hôm nay, về đến nhà, y sẽ bảo Liên rằng trường đã vỡ rồi, y hết kế sinh nhai, y sẽ ra đi, sẽ đi liều… Liên sẽ vuốt tóc y, xoa đầu y, vỗ về y, bảo y rằng y sẽ chẳng đi đâu. Và y sẽ chẳng đi đâu. Ấy cái đời y là vậy! Y biết thế! Y nhu nhược quá, hèn yếu quá! Y không bao giờ cưỡng lại, không bao giờ nhảy xuống sông, xuống bể, không bao giờ chĩa súng lục vào người bẻ lái và ra lệnh cho hắn hãm máy quay mũi lại. Y chỉ để mặc con tàu mang đi…

Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần… và bây giờ thì xa rồi, khuất hẳn rồi. Hai bên bờ sông, lần lượt qua những đồng ruộng và những khóm tre, những làng mạc xo ro, những người nhà quê bao nhiêu đời nay đương đánh vật nhau với đất. Trên những bãi sông trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, nhưng không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi cày, ăn cỏ, chịu rồi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám rứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi…

Download: Sống Mòn - Nam Cao 

Xem hướng dẫn download tại đây

P.S.: Tất cả các Ebook và Audiobook post ở TSCB đều có tải về máy cả. Nếu có links nào bị hỏng, các bạn làm ơn thông báo cho chúng tôi biết, chúng tôi sẽ upload links mới post lên lại. Nhớ like Facebook ủng hộ chúng tôi nhé. Thanks các bạn nhiều nha.


MUA SÁCH GIẤY


Hotline: 0967 841 705 (Zalo và Viber)

Email: noluckhongngung@gmail.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phong thủy kinh thành Huế với tổng công trình sư Vua Gia Long

Phong thủy thực hành trong cuộc sống hiện đại