HỌC THEO HẠNH BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM: HIẾN TẶNG NĂNG LỰC KHÔNG SỢ HÃI
Thí Vô Úy Giả là một trong những Thánh hiệu của Đức Bồ tát Quán Thế Âm. Vô úy có nghĩa là không sợ, thí vô úy giả là người hiến tặng năng lực không sợ hãi. Không run sợ, hết lo lắng là niềm an vui, hạnh phúc nhất trên đời, và người có năng lực giúp chúng ta an ổn, bất động trước mọi biến động của cuộc sống chính là Mẹ hiền, Bồ tát Quán Thế Âm.
Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn) đề cập đến 14 lĩnh vực hiến tặng vô úy của Đức Bồ tát Quán Thế Âm:
Đức Bồ tát Quán Thế Âm luôn vận dụng các phương tiện thiện xảo để hiến tặng sự bình an cho hết thảy chúng sanh. Học theo hạnh Ngài, mỗi chúng ta cũng tự trang bị cho chính mình tình yêu thương và tuệ giác lớn để vui sống, không âu lo và giúp người luôn bình an, không sợ hãi.
Bồ Tát Quán Thế Âm. |
Kinh Pháp Hoa (phẩm Phổ Môn) đề cập đến 14 lĩnh vực hiến tặng vô úy của Đức Bồ tát Quán Thế Âm:
1. Giúp chúng sanh thoát khỏi khổ não;
2. Giúp chúng sanh không bị lửa dữ thiêu đốt;
3. Giúp chúng sanh không bị nước lớn nhận chìm;
4. Giúp chúng sanh không bị ác quỷ làm hại;
5. Giúp chúng sanh thoát khỏi đao trượng;
6. Giúp chúng sanh không bị ác quỷ, ác thần trông thấy;
7. Giúp chúng sanh thoát khỏi gông cùm xiềng xích;
8. Giúp chúng sanh thoát khỏi giặc cướp;
9.Giúp chúng sanh dứt trừ tham dục;
10. Giúp chúng sanh xa lìa nóng giận;
11. Giúp chúng sanh đoạn trừ si ám;
12. Giúp chúng sanh cầu được con trai;
13. Giúp chúng sanh cầu được con gái;
14. Giúp chúng sanh niệm danh hiệu Quán Thế Âm thì được vô lượng lợi ích.
Nói chung là các chúng sanh nào gặp lúc nguy khốn, cấp nạn mà thành tâm niệm danh hiệu Bồ tát thì sẽ được gia hộ khiến thân tâm an ổn, không còn sợ hãi nữa. Nhờ hạnh nguyện cao cả này nên Bồ tát được chúng sanh trong cõi Ta-bà tôn xưng là Thí Vô Úy Giả , "Bậc hiến tặng năng lực không sợ hãi".
Hiến tặng là một nghĩa cử cao đẹp mà hàng đệ tử Phật luôn thực hiện và trau giồi trong cuộc sống hàng ngày. Bước đầu là hiến tặng tài vật (Tài thí), kế đến là hiến tặng giáo pháp (Pháp thí) và sau hết là hiến tặng sự bình an, mang đến cho người niềm tự tin, không sợ hãi (Vô úy thí). Tuy vậy, việc hiến tặng tài vật và giáo pháp đúng nghĩa đã bao hàm ý nghĩa hiến tặng sự bình an, không còn lo sợ. Không chỉ Đức Bồ tát Quán Thế Âm mới là "Bậc hiến tặng năng lực không sợ hãi" mà hết thảy chúng ta, nguyện học theo hạnh Ngài, cũng có thể sẻ chia và hiến tặng bình an, không sợ hãi cho mình, những người thân và hết thảy chúng sanh.
Muốn hiến tặng, dĩ nhiên phải có cái để trao tặng. Như muốn hiến tặng tài vật thì phải có của cải, bạc tiền; muốn hiến tặng giáo pháp thì phải am hiểu và có kinh nghiệm thực hành Phật pháp; muốn hiến tặng bình an, không sợ hãi thì ta phải có bình an, tự tin và không hề sợ sệt. Đức Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát của tình thương (Bi), yêu thương chúng sanh như mẹ thương con nhưng đồng thời Ngài cũng là vị Bồ tát của hiểu biết (Trí). Tuệ giác sáng chói của Ngài là nhìn thấy năm uẩn đều Không (không tự tính, Sunyata). Nhờ an trụ trong tuệ giác duyên khởi, không chấp thủ nên Bồ tát vượt thoát mọi chướng ngại, không còn sợ hãi, xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết-bàn (Bát nhã Tâm kinh).
Rõ ràng Bồ tát không hề sợ hãi, bởi Ngài thấy tất cả đều Không. Còn chúng ta luôn lo lắng và sợ sệt vì hầu như thấy tất cả đều có. Chính cái thấy "luôn luôn có" hạn hẹp đó của chúng sanh là nguyên nhân của mọi niềm bất an, sợ hãi. Vì thế, để học theo hạnh vô úy, không sợ của Bồ tát, chúng ta cần mở to đôi mắt trí tuệ để nhìn thật sâu sắc vào tự thân cũng như cuộc sống để thấy như thật rằng "vạn sự vạn vật đều giả có, duyên sanh, như huyễn, rỗng không, không tự tính, Sunyata". Cái thấy của chúng ta càng tiệm cận với chân lý, sự thật bao nhiêu thì chúng ta càng thảnh thơi, tự tại, bình an và vô úy bấy nhiêu. Khi trong ta đã có năng lực tự tin, không sợ hãi, bất động trước mọi biến động rồi thì ta mới có thể hiến tặng năng lực ấy cho người thân, và cho hết thảy mọi người.
Những khổ đau của chúng sanh như lo lắng, sợ sệt và bất an về nhiều phương diện trong cuộc sống xuất hiện gần như thường trực. Không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh và thân phận, ai ai cũng đều mang niềm lo, nỗi sợ. Sợ cái hữu hình cho đến vô hình, sợ đói nghèo và càng lo sợ hơn khi đã được giàu có, sợ những gì đã xảy ra cho đến sắp xảy ra, sợ vô vàn bất trắc xảy đến trong cuộc đời, sợ điều đáng sợ và cả điều không đáng sợ v.v… Cho đến người nhiều may mắn nhất luôn gặp những điều như ý trong đời cũng nơm nớp lo sợ khi tuổi xế chiều, đối diện với cái chết. Lo lắng và sợ hãi luôn đoanh vây, trùm phủ lên kiếp người. Vì thế, Bồ tát luôn phân thân khắp mọi nơi, ngày đêm tận lực cứu độ nhằm giúp chúng sanh bình an, không còn sợ sệt.
Ai đã từng một phen hú vía vì khiếp đảm mới thấu hiểu nỗi khổ của sợ hãi. Nên trước nỗi khổ lo sợ của chúng sanh, người con Phật không thể làm ngơ mà phải tìm cách cứu độ, hiến tặng bình an. Không như hiến tặng tài vật hay giáo pháp, hiến tặng sự không sợ hãi đôi khi không cần bất cứ điều gì to tát, chỉ cần bạn có mặt. Một đứa trẻ chợt khóc thét lên khi không thấy mẹ. Rồi mẹ nó xuất hiện, chỉ cần thấy mẹ thôi là đứa bé hết khóc, không còn lo sợ nữa. Hoặc đã quá giờ hẹn mà chưa thấy người cần gặp, lấy điện thoại ra bấm số và không có tín hiệu trả lời, lòng thấy bồn chồn, lo sợ mơ hồ. Đến khi người hẹn xuất hiện mới thở phào, nhẹ nhõm cả người. Hay lần đầu tiên trong đời ta cất bước đi xa, đến một nơi hoàn toàn xa lạ dù nơi ấy người ta chen chúc nhưng vẫn thấy man mác buồn, trống trải xen lẫn âu lo. Bấy giờ, ta cần lắm một ánh mắt thân thiện, một nụ cười cảm thông. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng làm ta ấm lòng nơi đất khách quê người. Như vậy, ta không cần làm gì nhiều cả, chỉ cần có mặt với tất cả sự vững chãi và thảnh thơi cũng đem lại bình an, bớt đi lo sợ cho rất nhiều người.
Một nỗi lo sợ to lớn khác luôn ám ảnh đời người là sợ mất: mất người thân, mất tiền của, mất danh tiếng, mất địa vị, mất niềm tin, mất sức khỏe, mất nhan sắc, mất nhiều thứ, mất tất cả… Không lo sợ sao được khi không bỗng chốc trắng tay (điều mà không ai có thể lường trước được). Thế nhưng đây lại là một sự thật hiển nhiên, khi sanh ra với hai bàn tay trắng rồi cuối cùng ra đi cũng trắng cả đôi tay, mà không mấy ai bình tâm để nhận ra và chấp nhận. Xét cho cùng thì ta đã được cái gì đích thực đâu mà lo sợ bị mất. Được và mất nương tựa vào nhau mà giả lập nên như bao nhiêu cặp phạm trù tương đãi có-không, đến-đi, sinh-diệt… Vì thấy được nên mới thấy mất, còn chưa từng được thì có mất bao giờ. Trong dòng luân chuyển vô cùng tận ấy, sự biến dịch, thay đổi, vô thường mới chính là lẽ thường. Vậy thì vì sao phải lo sợ hão huyền về lẽ thật vốn chưa từng được-mất? Tự chúng ta có thể chiêm nghiệm và ngộ ra điều này hay Bồ tát hoặc những người khác cũng đều có thể soi sáng cho chúng ta để quẳng gánh lo sợ đi mà vui sống.
Quan trọng hơn là ngay cả thân tâm này cũng giả huyễn, nói chi những vật ngoài thân. Tấm thân năm uẩn này do duyên sanh thì đích thực là giả có và hư huyễn rồi. Hiểu được đạo lý duyên sanh rồi thì tùy duyên tiếp vật, sống hoan hỷ, an lạc và thảnh thơi, không hề lo sợ bất cứ điều gì. Ở đây, hiến tặng năng lực không sợ hãi thông qua việc tự thân tiếp nhận và phát huy tuệ giác, dẹp tan tăm tối của nghiệp chướng vô minh, nhận ra lẽ thật của cuộc đời để sống bình an và thanh thản.
LƯỢNG THIÊN XÍCH. St
Nhận xét
Đăng nhận xét