Phong thủy Phú Xuân, vùng đất xưng vương
[Xem phong thủy] Một trong các nguyên do mang đậm yếu tố phong thủy trong việc thiết lập thủ phủ Phú Xuân là sự hiện diện của núi Ngự Bình với vai trò “tiền án” nhằm che chắn bảo vệ mặt trước cho vùng đất xưng vương này…
Ngự Bình và những ngọn núi của hoàng gia
Sau 52 năm tồn tại, Kim Long chấm dứt vai trò thủ phủ của mình vào 1687 dưới thời chúa Nguyễn Phước Thái. Sự kiện trên được một số tác gia thời trước như Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm – người đã gắn bó suốt đời với các chúa Nguyễn ở Đàng Trong – ghi nhận trong Nam triều công nghiệp diễn chí: “lệnh lấy phủ cũ (Kim Long) làm nơi thờ phụng tiên vương, chọn đất làm phủ mới ở đầu nguồn sông cách phủ cũ hơn năm trăm trượng, lấy núi Ban Sơn (tức núi Ngự Bình) làm án, lại đắp đê ở cánh phải để ngăn nước lũ xói bờ.
Thế là quân lính, dân phu, thợ giỏi vâng lệnh hưng công xây dựng cung phủ mới” (Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch và chú thích). Cung phủ mới cũng nằm bên tả ngạn sông Hương và chỉ cách Kim Long khoảng hơn 4 cây số về hướng đông nam, ở đó có núi Ngự Bình cao chỉ độ 104m, song có vị trí hết sức đặc biệt vì nổi vọt lên giữa quãng đất bằng như bức bình phong được chọn làm tiền án để đào hào, đắp tường, xây dựng cung điện trên vùng đất Phú Xuân.
Hình núi Ngự Bình vẽ trong Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập (vua Thiệu Trị)
Đặc điểm của địa cuộc Phú Xuân được Lê Quý Đôn mô tả “rộng khoảng hơn 10 dặm với thế đất bằng phẳng như lòng bàn tay, chính dinh được xây ở giữa, bốn bên đều thấp hơn, tức là xây ở chỗ nổi bật giữa đất bằng, ở vị trí Càn (tây bắc) trông về hướng Tốn (đông nam) dựa ngang sống đất, mặt chính của dinh trông xuống bến sông, đằng trước là quần sơn chầu về la liệt” (Phủ biên tạp lục).
Vua Thiệu Trị trong một bài thơ cũng viết về núi Ngự Bình với địa thế “quần phong triều củng”(non núi chầu về): “Xuất bình địa chi giao cao khởi, quần phong triều củng. Tráng thùy thiên chi thế đoan lâm, dương khuyết thiên bình”, đại ý: giữa đất bằng nổi lên một ngọn cao để các dãy núi từ xa trùng trùng hướng tới chầu về, là nơi tạo bức bình phong ngang trời.
Vậy trong dãy “quần sơn” và “quần phong triều củng” mà vua Thiệu Trị và Lê Quý Đôn nhắc đến có thể kể tên những ngọn núi ấn tượng mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi lại như ngọn Ngọc Trản (tức Hòn Chén): “Ở cách huyện Hương Trà 11 dặm về phía nam, có tên nữa là núi Hương Uyển. Mạch núi do các núi ở phía tây bắc trùng trùng điệp điệp, như rồng đi hổ phục, chạy dài chênh chếch về phía nam, đến phía tây sông Hương thì dừng lại, nổi vọt lên một ngọn vừa tròn vừa đẹp như hình cái chén, nên gọi tên ấy. Sườn núi có đền thiêng. Chân núi kề vực sông, nước rất trong ngọt, người ta phải gọi là nước Ngọc Trản, thường lấy dâng ngự dụng”. Về thế phong thủy của Ngọc Trản, một số nhà nghiên cứu cho đó chỉ là “thế nổi” của sơn mạch.
Còn “thế chìm” lại luồn qua dưới đáy nước sông Hương (để dòng nước chảy bên trên) rồi lại tiếp tục “trồi lên bờ” ở phía nam, chạy về hướng Nam Giao đến đồng bằng Phước Quả mới đột ngột nhô cao thành núi Ngự Bình.
Các núi khác có thể kể thêm gồm: Núi Thụ (vua Gia Long đổi tên là Thiên Thụ) nằm phía nam huyện Hương Trà, có đền thờ thần núi, hai bên tả hữu có núi Thanh và núi Bạch, với 34 ngọn núi khác bao quanh chầu về, như núi Diên, núi Bính, núi An, núi Hưng, núi Hòa, núi Xuân, núi Hoa, núi Hương, núi Bão, núi Cẩm, núi Quý, núi Đoài, núi Bút: “Lại có núi Đại Tượng, núi Ất, núi Thạch Bàn, núi Ngọc Đường, núi Thịnh, núi Kim, núi Lẫm và núi Thành. Những tên núi được phong từ đời vua Gia Long đều là đất lăng tẩm, trọng địa, ngàn ngọn muôn khe chầu về bao bọc, hai ngành Tả trạch và Hữu trạch nước chảy vòng quanh, cao lớn vững vàng, thật là phúc địa, chung đúc khí tinh anh vậy…” (Đại Nam nhất thống chí – Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính).
Đình làng Phú Xuân được giữ lại trong kinh thành Phú Xuân – di tích lịch sử quốc gia
Có nhà nghiên cứu cho rằng, trong loạt núi trên có riêng núi Ngự Bình là tiền án của Phú Xuân, ngoài công dụng che chắn uế khí còn có tác dụng lưu giữ gió tốt, nguồn khí tốt cho vùng đất trên (tàng cát phong).
Để giải thích nội dung liên quan đến “khí” trong thuật địa lý phong thủy thiết tưởng cần nêu ra đây một số phân tích của dịch giả, nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan trong công trình biên soạn Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc (NXB Văn hóa thông tin 2002), như sau: “Phép coi phong thủy, hơn hết là đắc thủy, kế đó là giữ gió. Như thế có thể biết trong thuật coi đất thời cổ có hai yếu tố lớn. Trọng tâm của nó là sự tiến hành tuyển chọn và xử lý đối với nơi cư trú của loài người (…) chia ra hai loại là Dương trạch (nhà ở khi sống) và Âm trạch (nhà ở khi chết). Nghiên cứu phong thủy, từ cơ bản là để đáp ứng nhu cầu tìm tốt tránh xấu của loài người. Một khi nhu cầu ấy tồn tại là quan niệm về phong thủy còn tồn tại. Trong phạm vi liên quan đến Địa lý phong thủy, chúng tôi chỉ giải thích một số khái niệm căn bản như Khí là khái niệm thường được nhắc đến và được nhấn mạnh. Trong đông y và khí công, khí được hiểu như một dạng năng lực lưu thông trong cơ thể theo 12 kinh và 8 mạch. Nếu dòng khí này luân lưu điều hòa thông suốt thì cơ thể khỏe mạnh. Trái lại, có nghĩa là dòng khí trong cơ thể bị bế tắc hay thiếu hụt. Trong môn địa lý, nguồn năng lượng nằm trong lòng đất (địa khí) được đặc biệt khai thác bằng một số kỹ thuật nhằm tập trung hay điều hòa dòng khí lưu chảy trong lòng đất kết vào căn nhà (hoặc công trình kiến trúc, kinh thành, thủ phủ) nhằm đem lại cuộc sống hài hòa may mắn cho chủ nhân. Ngày nay, với sự tiến bộ của ngành vật lý lượng tử và nhiều ngành khoa học khác, khái niệm về vật chất và năng lượng được xem như một dạng của sự chuyển hóa. Vật chất chuyển hóa thành năng lượng và năng lượng chuyển hóa thành vật chất. Mọi vật thể trong vũ trụ đều tương quan tương tác mật thiết với nhau. Môn địa lý đã vận dụng những điều này trong việc tạo nên một lý luận về kiến trúc xây dựng”.
Chúng tôi hy vọng nội dung trên phần nào có thể gợi mở tìm hiểu thêm về thuật phong thủy trong việc định thủ phủ, định đô đề cập đến trong loạt bài này. Bây giờ xin trở lại với những ghi chép sát sườn về núi Ngự Bình và đất Phú Xuân…
Những dấu ấn lịch sử
Nhà văn, học giả Phạm Quỳnh trong một bút ký về Huế đăng trên tạp chí Nam Phong, số 10 tháng 4.1918, đã viết: “Thường cẩn đọc trong sách Đại nam nhất thống chí, thiên Kinh sư, có tả địa thế cùng lược lịch sử nơi kinh thành Huế (đất Phú Xuân xưa) như sau: “Chốn Kinh sư gồm cả núi bể trong nước mà ở vào giữa khoảng Bắc Nam, khí hậu hòa bình, sơn thủy kỳ tú. Đường bể thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền làm hiểm, đường lục bể thì có ải Quảng Bình, ải Hải Vân làm trở. Sông nhớn bao mặt trước, núi cao chắn mặt sau. Ba nguồn Bồ Trạch bọc bên tả bên hữu. Đầm Tam Giang, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung làm then làm chốt. Thực là một nơi hổ chồm rồng cuốn, địa thắng hình cường; đất hiểm yếu của giời đất, làm thượng đô cho đế vương”.
Tôi tin những nơi sơn thủy kỳ tú có ảnh hưởng đến vận mệnh một nước. Người ta đối với cái ngoại cảnh không phải là không có quan hệ. Người đồng bằng biệt ra tính cách đất đồng bằng, người rừng núi biệt ra tính cách nơi rừng núi; thói ăn cách ở, đường sinh kế, lối tư tưởng, không gì là không tùy theo cái ngoại cảnh mà khác nhau. Huống chi là những bậc đế vương mở đất dựng nước, những nơi sông núi xinh đẹp lại không có quan hệ với cái lòng hoài bão nhớn nhao hay sao? Đã có sông Hương lại có núi Ngự nữa, cái cảnh mới thực là toàn xinh”.
Hình ảnh “Ngự Bình” đúc nổi trên Cửu Đỉnh
Từ cuộc đất “đại cát”, Phú Xuân trở thành nơi xưng vương và chuyển mình phát triển thành kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (Huế) với 3 sự kiện lớn trong lịch sử sau đây:
1. Phú Xuân là nơi chúa Nguyễn Phước Khoát xưng vương (Võ Vương) năm Giáp tý (1744) lập chế độ và định triều nghi, chính thức tạo riêng một cõi Đàng Trong độc lập với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Đây là thời kỳ hoàn thành cuộc Nam tiến của dân tộc.
2. Phú Xuân là nơi vua Quang Trung lập đền tế lễ để lên ngôi hoàng đế tại địa điểm được nêu rõ trong cuốn Địa danh du lịch Việt Nam do Nguyễn Thị Thu Hiền biên soạn, NXB Từ điển bách khoa 2007: “Núi Bân là một ngọn đồi trọc, cấu tạo bằng sa phiến thạch, có độ cao 41m, diện tích 80.000m2, nằm ở thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế, cách núi Ngự Bình 620m về phía tây, cách thành phố Phú Xuân thời Tây Sơn hơn 3km về phía Nam. Đàn tế trời của Quang Trung – Nguyễn Huệ được xây dựng thành ba tầng đồng tâm tạo thành 3 khối núi nón cụt chồng lên theo chiều cao. Hơn 200 năm đã trôi qua, với bao lần mưa san, gió tạt, mặt núi đã bị xói mòn nhiều, nhưng hiện nay vẫn còn thấy rõ được 3 tầng nền của đàn tế”. Tài liệu trên còn cho biết các tầng nối với nhau bằng bốn con đường dốc thoai thoải để lên xuống và xưa kia hàng vạn binh sĩ cùng nhiều voi ngựa và đại pháo có thể tập trung ở đây trước giờ ra trận.
3. Phú Xuân là nơi vua Gia Long làm lễ tế trời đất và lên ngôi năm 1802, đổi Thăng Long làm Bắc thành và chọn Phú Xuân làm kinh đô. Dấu ấn mạnh nhất trong lịch sử kiến trúc Việt Nam ở đây là vua Gia Long đã khởi công xây dựng kinh thành Huế trên vùng đất Phú Xuân bằng sự kết hợp các yếu tố phong thủy có sẵn trong thiên nhiên với nghệ thuật kiến trúc do con người thực hiện để tạo nên những giá trị văn hóa tuyệt vời.
Chiều trên sông Hương
Đất Phú Xuân ngoài núi Ngự, còn có sông Hương được chọn làm “minh đường” của Phú Xuân – Huế. Mà theo cụ Tả Ao, minh đường phải trũng và đáng yêu như bàn tay để ngửa, cho nước chảy vào và thành nơi “chứa ngọc” (tích thủy vị chi tích ngọc). Sông Hương minh đường ấy hòa hợp với núi Ngự tạo nên “bốn mùa trân quý, ngọc ngà” (tứ thời sơn thủy, tứ thời trân), đã âm vang vào tâm thức của người dân xứ Huế: Đi mô cũng nhớ quê mình – Hương giang gió mát, Ngự Bình trăng thanh, cũng như tồn tại trong hồn thơ vang bóng của Bùi – đại – ca thi sĩ:“Dạ thưa xứ Huế bây giờ – Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”…
S.T Nhà phong thủy
Nhận xét
Đăng nhận xét