Phong thủy: Ngọn đồi thiêng Hà Khê của nhà Nguyễn
[Thư viện phong thủy] Đó là đồi Hà Khê nổi danh về phương diện phong thủy với thế đất “rồng cuộn hổ ngồi” (long bàn hổ cứ) từng chiếm vị trí đặc biệt tôn nghiêm trong tâm thức và ký ức của các vua chúa nhà Nguyễn…
Sau ngày dẫn quân bản bộ vượt biển vào đất Quảng Trị để gầy dựng một giang sơn riêng nằm về phía Nam của dải Hoành Sơn, chúa Nguyễn Hoàng đã mở cuộc dò tìm địa thế, đi xem xét hình thể núi sông vùng tả ngạn sông Hương và phát hiện:
“Giữa đồng bằng xã Hà Khê (cách trung tâm TP. Huế hiện nay khoảng 5-6 cây số về hướng Tây) nổi lên một gò cao (đồi Hà Khê) có hình tựa như đầu một con rồng đang ngoảnh lại, phía trước đồi có con sông lớn uốn khúc bọc quanh, phía sau có hồ nước lớn, tạo thành phong cảnh tốt tươi. Nhân đó, chúa thượng hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò nầy rất thiêng, tục truyền một đêm kia bỗng có một bà già mặc áo đỏ quần xanh hiện ra trên đỉnh gò nói rằng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến xây chùa trên gò này để kết tụ khí thiêng và giữ bền long mạch”. Nói xong liền biến mất, người trong vùng gọi bà là Thiên Mụ – tức bà già ở cõi trời xuống. Chúa (Nguyễn Hoàng) cho nơi ấy có linh khí, mới dựng chùa, gọi là chùa Thiên Mụ” (theo Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục).
Những học giả phương Tây như A. Bonhomme cũng đề cập tới việc Nguyễn Hoàng đi dò long mạch “không một hòn núi nào mà ngài không đặt chân đến – không một dòng sông nào mà ngài chẳng lưu tâm” để rồi tìm ra thế đất tốt của đồi Hà Khê và lập chùa Thiên Mụ trên ấy, dẫn đến những câu chuyện được dân gian thần bí hóa như: “khi chùa xây xong chưa bao lâu thì có một con rùa khá lớn từ dưới sông Hương bò lên đồi Hà Khê để vào khuôn viên chùa cư trú và mỗi lần khát nước rùa lại bò về hướng hồ nước sau chùa để uống, dần dà rùa đã làm đổ hàng rào (La thành cao 2,30m) phía sau chùa. Con rùa kỳ quặc trên đã bị sét đánh trong một cơn giông hãi hùng và bị hóa đá tại chỗ, đến nay vẫn nằm đó” (tạp chí BAVH-1915).
Cạnh những câu chuyện dân gian tương tự như đã nêu, thực tế lịch sử cho thấy đồi Hà Khê và ngôi Quốc tự Thiên Mụ được rạng rỡ hoặc bị điêu tàn cũng tùy theo thịnh suy của từng thời.
Chùa Thiên Mụ
Rạng rỡ nhất là thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu với hàng chục công trình kiến trúc mới, cho đúc đại hồng chung, tức quả chuông lớn nhất thời ấy (1710) nặng đến 2.052kg, cao 2,50m, đường kính ở miệng rộng 1,34m.
Tiếng đại hồng chung này đã đi vào ca dao: Gió đưa cành trúc la đà/ Hồi chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương và vang vào hồn thơ của vua Thiệu Trị sau này để nhà vua viết bài thơ Thiên Mụ chung thanh (Tiếng chuông Thiên Mụ) với mấy câu mở đầu: “Thiên Mụ tự, Đình độc trừ tinh. Sơn xuyên Linh sàng. Long bàn hồ thủ đao củng kinh thành. Hổ khiếu cao tôn phủ lâm Hương phái”. Nghĩa là chùa Thiên Mụ là nơi kết tụ linh khí của trời đất và núi sông, nơi rồng uốn khúc nhìn lại chốn kinh thành (long bàn hồi thủ) và nơi cọp ngồi trên cao cất tiếng rống vang động cả dòng sông bên dưới (hổ khiếu cao tôn).
Rõ ràng nhà vua đã nói đến thế đất “long bàn hổ cứ” của đồi Hà Khê. Nếu không có đồi Hà Khê chắc chắn sẽ không có chùa Thiên Mụ như ta đã thấy. Chùa được trùng tu năm 1665 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, năm 1738 – 1744 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát nữa. Các tác giả biên soạn tập Thần Kinh nhị thập cảnh – thơ vua Thiệu Trị (NXB Thuận Hóa 1997) cho biết chùa tọa lạc trên đồi Hà Khê là “một ngọn đồi chạy theo hướng Bắc Nam, có bề mặt gần như hình chữ nhật, kích thước 313m x 76m (…) địa thế của chùa đúng là “sơn triều thủy tụ” hết sức hữu tình.
Từ xa nhìn lại, đồi Hà Khê tựa như hình dáng một con rùa khổng lồ, cõng trên lưng ngôi chùa cổ kính đang cúi đầu xuống để uống nước sông Hương”. Một tác giả khác ghi rõ: “trong viễn tượng địa lý phong thủy xưa thì chùa Thiên Mụ tọa ở phương vị “Cấn” (Tây – Bắc) để hướng về phương vị “Tốn” (Đông – Nam) đúng với hướng của kinh thành Phú Xuân”.
Sông Hương nhìn từ đồi Hà Khê
Điêu tàn nhất là thời quân Trịnh từ phía Bắc tràn vào chiếm Phú Xuân (1774) và thời Tây Sơn tiếp đó (1786 – 1801) đã đẩy cơ nghiệp gầy dựng hơn 200 năm sụp đổ khiến chúa Nguyễn phải chạy về phía Nam, để lại đồi Hà Khê hoang vắng và cảnh chùa Thiên Mụ tàn tạ trong binh lửa. Trọng thần của nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích khi đến đó đã ngậm ngùi ghi nhận những đổ nát, nền chùa bị san bằng để làm đàn tế lễ.
Khi vua Gia Long khôi phục Phú Xuân và lên ngôi (1802) đã cho tôn tạo lại chùa Thiên Mụ (1815) và nói với quần thần đại ý rằng: “đây là nơi linh thiêng của tiên đế ta đã chọn”. Vua Minh Mạng tiếp tục công trình (1831) và các đời Thiệu Trị, Thành Thái, Khải Định đều có dựng bia ở chùa, nay vẫn còn.
Nơi "Sơn triều thủy tụ". .
Khoa phong thủy ngày nay được hỗ trợ và soi sáng thêm bởi một số ngành khoa học như địa chất học và khảo cổ học. Về địa chất học, tài liệu của Hà Xuân Dương cho biết đồi Hà Khê là một khối đá hoa cương nằm trong dãy núi đá vôi vùng Long Thọ – Lại Bằng.
Dưới chân đồi có một vực nước rất sâu với dải đá nhọn lởm chởm dưới đáy. Đó là kết quả của quá trình cấu tạo địa chất trong khu vực đồi Hà Khê. Cụ thể, dòng nước ngầm dưới đáy sông Hương chảy qua hàng thiên niên kỷ đã bào mòn lớp đá vôi để lộ ra phần đá hoa cương cứng cáp. Vì thế, khi sông Hương chảy đến đó không thể băng qua được, nên phải lượn vòng trước mặt đồi, góp nước từ xa đổ về vực sâu, tạo thành thế “thủy tụ”.
Từ đỉnh đồi nhìn xuống, chỗ “thủy tụ” như một thế giới huyền ảo vào những ngày đầu thu sương giáng và long lanh ánh nguyệt vào những đêm rằm, mà có lẽ nhạc sĩ Văn Cao từng giong thuyền đến đó nên đã viết: Một đêm đàn lạnh trên sông Huế – Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh…
Từ đỉnh đồi nhìn lên, thấy xa xa hiện rõ dãy núi “trấn sơn” Kim Phụng: “dãy núi này rất cao,ở về phía Tây Nam. Nó cùng chạy với Trường Sơn hùng vĩ, nhưng vào đến sơn phận của huyện Phong Điền thì một ngọn đồi tách khỏi dãy Trường Sơn để chạy xuyên theo hướng Đông Nam vào đến tận sơn phận của làng Cổ Bi”.
Từ đó, trên đường đi, sơn mạch của dãy núi ấy có đoạn nổi lên (thành rú Lại Bằng), có đoạn lại chìm xuống dưới các cánh đồng, rồi nổi lên lần nữa thành gò, thành đồi – cứ thế kéo dài ra trông như một con rồng đang uốn lượn lên xuống qua nhiều núi, nhiều rừng (như Phụ Ô, Bồn Trì, Bồn Phổ) cho đến “xã Hà Khê thì đột khởi thành đồi Hà Khê (…) mà người ta thường cho là “đầu rồng nhìn ngoảnh lại” tức là thế đất “long hồi cố tổ” trong khoa địa lý phong thủy” (Hà Xuân Dương – Kiến trúc chùa Thiên Mụ).
Bên trong chùa Thiên Mụ
Hậu viện chùa Thiên Mụ
Đến cuối thế kỷ 20, chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê là một trong các di tích quan trọng đã góp phần cùng thành quách, cung điện, lăng tẩm tạo nên diện mạo và giá trị của Quần thể di tích Huế – một quần thể đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Đó không chỉ là danh lam thắng cảnh tuyệt vời của đất nước, mà theo nhiều nhà nghiên cứu đã ảnh hưởng sâu đậm “đến cả cuộc tồn vong của một nền văn hóa” và “đã gắn liền đời sống tâm linh của dòng họ Nguyễn từ vị chúa đầu tiên cho đến vị vua cuối cùng” (Phan Thuận An).
Hoặc như nhận định của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm trong công trình biên soạn về Phật giáo xứ Huế: “Sở dĩ chùa Thiên Mụ càng ngày càng có ảnh hưởng lớn là vì ngọn đồi Hà Khê – nơi có sơn triều thủy tụ, có long mạch phát đế vương cho dòng họ chúa Nguyễn và triều Nguyễn kể từ 1558 (năm Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa) cho đến 1945 (năm vua Bảo Đại thoái vị)” – theo đó tính ra, họ Nguyễn có ngót 387 năm đăng quang, thăng trầm và tồn tại trong lịch sử vương quyền Việt Nam.
S.T Nhà phong thủy
Nguồn:Tạp chí Duyên dáng Việt Nam - Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Gia Tiến, Tư liệu
Nhận xét
Đăng nhận xét