NHỮNG CÂU CHUYỆN PHONG THỦY LỪNG DANH CỦA LƯU BÁ ÔN


Chân dung Lưu Bá Ôn - người có công rất lớn giúp Chu Nguyên Chương gây dựng nhà Minh.

Tuy là một nhân vật có thực trong lịch sử, tuy nhiên, người ta lại biết tới Lưu Cơ – Lưu Bá Ôn chủ yếu qua các câu chuyện về phong thủy. Người ta nói rằng, bất cứ nơi đâu ở Trung Quốc có lưu truyền những truyền thuyết về Lưu Bá Ôn thì ở đó ắt có truyền thuyết về phong thủy. Có lẽ, chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại gọi Lưu Bá Ôn là bậc tông sư về phong thủy…
Chuyện kể rằng, sau khi lên ngôi hoàng đế, cũng giống như những vị hoàng đế khác, muốn cho giang sơn do mình gây dựng có thể truyền cho con cháu ngàn vạn đời sau, Chu Nguyên Chương bèn phái Lưu Bá Ôn đi khắp nơi trong cả nước xem phong thủy, tìm mọi cách ngăn chặn xuất hiện những người “mệnh lớn”, có thể cướp đoạt thiên hạ của nhà họ Chu.
Lưu Bá Ôn nhận lệnh của Chu Nguyên Chương, lưng mang thần kiếm đi khắp Nam Bắc. Một khi nhìn thấy long mạch lập tức vung kiếm phá bỏ, trừ hậu họa cho hoàng thất họ Chu.
Một ngày, Lưu Bá Ôn đi tới Giang Trang ở chân núi Thạch Khanh, bỗng nhiên thấy từ dưới đất có một con trâu bằng đá đang chạy về phía Giang Trang. Lưu Bá Ôn liền bấm quẻ rồi đến buổi tối hôm đó xem tinh tượng, bỗng nhiên hét lên:
“Không ổn!” Theo tính toán của Lưu Bá Ôn, trong Giang Trang nhất định sẽ sinh ra một người có “mệnh lớn”, tương lai có thể tranh đoạt giang sơn của triều Minh. Để ngăn chặn việc xuất hiện này, Lưu Bá Ôn đã thi triển phép thuật, dùng bảo kiếm chặt con trâu đá làm ba khúc, phá đi phong thủy của Giang Trang.
Một khi phong thủy đã bị phá, người “mệnh lớn” sẽ không thể xuất hiện được nữa. Lưu Bá Ôn còn sợ con trâu đá sau khi bị giết sẽ hồi sinh nên lại dùng lại dùng pháp thuật đem ba khúc của con trâu vừa bị chặt chôn ở 3 nơi khác nhau.
Một lần khác, Lưu Bá Ôn tới vùng Tương Hồ. Lưu Bá Ôn từ lâu đã biết rằng, vùng Tương Hồ là nơi từng được thần tiên làm phép, vì thế, núi sông nơi đây đều có khí tiên. Lần này được chứng kiến tận mắt, quả nhiên không hề tầm thường.
Chỉ thấy, vùng Tương Hồ ba mặt đều có núi vây bọc, tổng cộng có 99 con suối chảy từ trên núi xuống, mỗi con suối đều ẩn vào trong các khe đá. 99 con suối này đều được tích lũy khí âm nhu nhiều năm bên cạnh khí cương dương của Tương Hồ.
Một khi suối và hồ tương giao, nhất định ngày sau sẽ xuất hiện bậc chân mệnh thiên tử. Tuy nhiên, dường như đây đã là địa thế do tự nhiên tạo ra, làm thế nào để phá được thế phong thủy này? Đây là một vấn đề hóc búa ngay cả với bậc tông sư như Lưu Bá Ôn.
Vì thế, Lưu Bá Ôn đã ở lại Tương Hồ, suy nghĩ các phá giải địa thế phong thủy này.
Một ngày, sau khi đã lao tâm khổ tứ nghĩ đủ mọi cách mà vẫn chưa nghĩ ra, Lưu Bá Ôn lang thang đi tới chân một quả núi, bất ngờ nhìn thấy một hòn đá. Đương lúc mệt mỏi, Lưu Bá Ôn thấy viên đá phẳng phiu bèn ngồi xuống nghỉ chân.
Nào ngờ vừa ngồi xuống thì sự mệt mỏi từ đâu kéo tới, Lưu Bá Ôn dần dần chìm vào giấc ngủ. Cũng chẳng biết Lưu Bá Ôn đã ngủ bao lâu, chỉ biết khi tỉnh lại Lưu Bá Ôn thấy rằng thanh kiếm mình đeo ở hông đã bị tuốt ra khỏi vỏ, mũi kiếm đang chúc xuống dưới đất bên dưới viên đá, ngay chỗ mũi kiếm nước đang phun ra.
Nước từ dưới đất như như những hạt châu báu bám lấy thanh kiếm mà nhảy lên mặt đất. Lưu Bá Ôn giật mình, thần kiếm làm sao tự động tuốt khỏi vỏ? Vì sao mũi kiếm lại chỉ đúng chỗ có mạch nước được? Nhìn kỹ lại, Lưu Bá Ôn chợt mừng thầm.
Hóa ra chỗ đầu thạch kiếm chọc xuống đất chính là chỗ mạch quan trọng nhất giữa hồ và suối. Chỉ cần phá bỏ được mạch nước quan trọng này, biến nó thành một con suối, cho người qua đường hoặc chim thú trong rừng uống thì linh khí của nó tự khắc sẽ biến mất.
Làm được như vậy thì nơi đây chỉ còn là một nơi danh lam thắng cảnh chứ không thể xuất hiện đế vương được nữa.
Nghĩ vậy, Lưu Bá Ôn bèn dùng kiếm thần của mình chém xuống đất nhiều nhất, mạch nước suối từ dưới đất phun lên. Lúc bấy giờ, vừa may có một người tiều phu từ đâu đi tới. Lưu Bá Ôn thấy vậy vừa uống nước từ dưới đất phun lên, vừa cố ý nói lớn:
“Nước ngon thật! Nước ngon thật!” Người tiều phu đang lúc khát  nước, nghe thấy Lưu Bá Ôn nói nước ngon bèn quỳ xuống bên cạnh, dùng tay vốc nước đang phun từ dưới lòng đất lên uống. Quả thật, nước vừa vào tới miệng đã thấy ngọt như mật, người cũng không còn thấy khát nữa.
Người tiều phu lúc này mới nhìn xung quanh tứ phía, thấy làm lạ, tự nói với mình: “Ta thường xuyên đi lại qua đoạn đường này mà trước nay chưa từng thấy con suối này. Không biết con suối này từ đâu mà ra?”
Lưu Bá Ôn đang đứng bên cạnh nói: “Con suối này tất có nguồn của nó, uống được nó tất có điều tốt!” Nói xong, Lưu Bá Ôn liền dùng thuật ẩn thân, biến mất trong chớp mắt.
Người tiều phu vừa thấy Lưu Bá Ôn đứng trước mặt mình nói chuyện, chỉ nhoáng một cái đã không còn thấy đâu nữa, cảm thấy rất kỳ quái. Chợt nghĩ lại, người tiều phu cảm thấy đã từng gặp người đàn ông kia ở đâu rồi.
Nghĩ một lát, người tiều phu reo lên, hóa ra là Lưu quân sư. Hóa ra, người tiều phu này là một quân sĩ đã giải ngũ về ở ẩn. Khi còn trong quân ngũ, ông ta đã từng gặp Lưu Bá Ôn. Nhớ lại câu nói của Lưu Bá Ôn rằng uống nước này tất có điều tốt, người tiều phu bèn bỏ bó củi trên lừng, tìm vật liệu dựng một căn lều ngay bên con suối rồi sống luôn ở đây.
Do thường xuyên uống nước từ con suối này, người tiều phu lúc nào cơ thể cũng tráng kiện, khuôn mặt hồng hào. Có người hỏi nguyên nhân vì sao ông có thể khỏe mạnh và trẻ lâu tới như vậy, người tiều phu đều nói là do ông uống nước ở con suối do Lưu Bá Ôn dùng kiếm thần tạo thành.
Không chỉ được giao nhiệm vụ phá thế phong thủy, đoạn long mạch để ngăn chặn việc xuất hiện thiên tử, tranh chấp thiên hạ với họ Chu, Lưu Bá Ôn còn được Chu Nguyên Chương tin tưởng giao cho nhiệm vụ cải tạo phong thủy để đem lại điều lợi cho sự cai trị của triều Minh.
Chuyện kể rằng, sau khi sửa sang song Bắc Kinh, nơi sau này được lựa chọn làm kinh đô triều Minh, Chu Lệ, khi đó vẫn còn là Yên Vương đã tiến hành tu sửa các lăng mộ. Kể từ lúc Chu Nguyên Chương lên ngôi đã lập tức cho sửa phần mộ.
Tuy nhiên, việc sửa  phần mộ trước hết phải chọn được nơi đặt mộ. Một hôm, Yên Vương nói với quân sư Lưu Bá Ôn rằng: “Ngươi hãy dẫn đường, chúng ta cùng đi tìm một nơi đặt mộ thật tốt”. Lưu Ba Ôn vừa nghe đã biết Yên Vương muốn tìm địa điểm để đặt hoàng lăng.
Nơi đặt hoàng lăng có can hệ tới vận mệnh của cả triều đại, do vậy phải là nơi có phong thủy thượng đẳng mới được. Nghĩ thế, Lưu Bá Ôn đã cùng với Yên Vương ra đi. Tuy nhiên, hai người từ Đông đi sang Tây, rồi lại từ Nam đi lên Bắc nhưng vẫn không chọn được địa điểm ưng ý.
Cuối cùng, hai người chọn đi từ Bắc xuống phía Tây. Đi một lúc thì tới Đông Trang, hai người nhìn thấy một cây óc chó và một ngọn núi đất vàng, phong cảnh khá đẹp. Yên Vương nói: “Nơi đây được đấy!” Lưu Bá Ôn nói: “Nơi đây chưa được!” Vì sao lại không được?
Lưu Bá Ôn chỉ tay về ngọn núi đất vàng phía trước mặt nói: “Điện hạ xem, đây là phần đất cao, chắc chắn là không thể có long mạch. Xây lăng tại nơi đây, đất nước có nguy cơ bị hủy hoại”. Yên Vương vừa nghe đến câu đất nước bị hủy hoại đã lắc đầu nói: “Không được. Vậy tìm một nơi khác”.
Hai người lại tiếp tục đi tới Tây Trang. Tới đây, Lưu Ba Ôn chỉ tay nói: “Điện hạ, ngài thử nhìn về hướng Bắc xem”. Hai người cùng nhìn về hướng Bắc, bỗng thấy ánh sáng phát ra. Yên Vương nói: “Nơi đây là mảnh đất tốt, thử tới gần xem thử ra sao”.
Hai người cùng tới nơi thì thấy nơi đây ba mặt đều có núi che chở, dựa vào phía Bắc quay mặt về phía Nam, là một nơi có địa thế cực đẹp. Yên Vương lúc này vui mừng ra mặt quay sang hỏi Lưu Bá Ôn: “Giờ thì được rồi chứ?”
Lưu Bá Ôn nói: “Không tệ, có thể nói là nơi đất tốt. Điện hạ từ đây nhìn về phía Nam thử, nơi đây phía bên trái có núi thanh long, bên phải có núi bạch hổ, tả thanh long, hữu bạch hổ, chỗ điện hạ đang đứng chính là ổ mà thanh long nằm đấy”.
Yên Vương nghe xong vui mừng nói: “Được vậy sẽ xây lăng mộ tại đây”. Lưu Bá Ôn cầm một vốc tiền cổ đem chôn xuống dưới đất ngay chỗ Yên Vương đứng để đánh dấu.
Một chuyện khác lại kể rằng, Lưu Bá Ôn sau khi giúp Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh thì xin cáo quan về quê ở ẩn, nhằm tránh những đòn thù của Chu Nguyên Chương lẫn quan thừa tướng Hồ Duy Dung.
Để Hồ Duy Dung lẫn Chu Nguyên Chương không biết được hành tung của mình, Lưu Bá Ôn bèn cải trang làm đạo sĩ, bí mật rời khỏi nhà, ngao du thiên hạ, trở thành một đại sư phong thủy thần bí trong giang hồ.
Một lần, Lưu Bá Ôn đi tới Cửu Đàm núi La Phù. Người đi cùng ông là tướng quân Bành Oánh Ngọc trong trang phục một hòa thượng. Vì sao Lưu Bá Ôn lại tìm tới Cửu Đàm ở núi La Phù?
Hóa ra, chuyện là khi Lưu Bá Ôn dẫn quân nam chinh đã từng đi qua Cửu Đàm, nhận thấy nơi đây địa thế không tệ, tuy nhiên, nhân dân lại nghèo khó. Xem xét một hồi, Lưu Bá Ôn phát hiện ra rằng, mặc dù địa thế nơi đây tốt nhưng người dân vẫn nghèo là do nơi đây xuất hiện bố cục trấn phong thủy.
Lúc bấy giờ, do quân tình khẩn cấp, không tiện dừng lại lâu, Lưu Bá Ôn đã hứa với người dân ở Cửu Đàm rằng, đợi tới khi đất nước thống nhất sẽ quay trở lại đây giúp họ thay đổi bố cục trấn phong thủy kia để họ có thể thay đổi cuộc sống của mình.
Chính vì thế, sau khi cáo lão về quê, nhớ tới lời hẹn năm xưa, Lưu Bá Ôn đã quyết định quay trở lại Cửu Đàm.
Năm xưa khi hành quân qua Cửu Đàm, Lưu Bá Ôn đã từng xem xét nhiều lần địa hình, địa thế của Cửu Đàm. Phần lưng của Cửu Đàm dựa vào núi La Phù, mỗi năm lũ từ trên núi La Phù đều đổ xuống Cửu Đàm. Đây chính là bố cục đã trấn áp phong thủy của Cửu Đàm.
Vì vậy, Lưu Bá Ôn cho rằng, chỉ cần trị được lũ từ trên núi đổ xuống khu vực Cửu Đàm thì người dân có thể tránh được tai nạn hàng năm, từ đó có thể an cư lạc nghiệp.
Lưu Bá Ôn đã cùng người dân Cửu Đàm nắn dòng chảy của con suối thành theo hình chữ chi để giảm sức chảy của dòng nước khi có lũ về nhờ vậy, thay đổi luôn cả bố cục phong thủy bị trấn áp của Cửu Đàm. Từ đó về sau, người dân Cửu Đàm không còn phải chịu lũ quét hàng năm nữa.
Câu chuyện “Trăm mèo giữ cá” cũng ghi lại một truyền thuyết phong thủy rất thú vị về Lưu Bá Ôn. Chuyện kể rằng, ba anh em họ Du gồm Du Thông Hải, Du Thông Nguyên và Du Thông Uyên đều là những bộ tướng rất giỏi của Sào Hồ thủy quân Lý Bát Đầu.
Khi Chu Nguyên Chương dẫn binh chiếm Hòa Châu, Lý Bát Đầu bị Nguyên Đạt Tử ở Lô Châu đán úp nên muốn mượn quân của Chu Nguyên Chương để báo thù. Trong khi đó, Chu Nguyên Chương muốn mượn thuyền của Bát Đầu vượt sông tới Thái Bình Phủ, giải quyết vấn đề lương thảo.
Hai người liên hợp với nhau tuy nhiên mỗi bên đều có tính toán riêng cho mình. Anh em họ Du theo lệnh của Bát Đầu đã giúp Chu Nguyên Chương lên kế hoạch lấy được Thái Bình đồng thời mang thủy quân Sào Hồ tới đại doanh trại của Chu Nguyên Chương, khiến quân của họ Chu như hổ mọc thêm cánh.
Ba anh em họ Du dũng cảm thiện chiến, lập được nhiều chiến công. Trong đó công lao lớn nhất chính là người anh cả Du Thông Hải. Du Thông Hải tự là Bích Tuyền, đã theo Chu Nguyên Chương phá Hải Nha, đánh gục Ninh Quốc, đuổi Trần Hữu Lượng, bắt sống  Trương Sĩ Thành,… công trạng rất lớn, từng được phong làm Bình Chương Chính sự và nhiều chức vụ trọng yếu khác trong quân đội.
Tuy nhiên, trong trận Bình Giang, Du Thông Hải không may bị trúng tên mà chết. Khi Du Thông Hải chết, Chu Nguyên Chương ôm xác họ Du mà khóc, đồng thời nói với Lưu Bá Ôn và tướng quân Từ Đạt rằng: “Vừa mới bắt đầu cuộc chiến, Bích Tuyền đã chết khác gì ta mất một cánh tay! Mau mau thu quân, tổ chức tang lễ cho ông ta”.
Lúc bấy giờ, Lưu Bá Ôn và Từ Đạt cũng chảy nước mắt nói, khuyên rằng: “Bích Tuyền chết, thần cũng đau lòng, thiết nghĩ cũng nên tổ chức tang lễ. Chỉ là hiện tại không có thời gian, mong chúa công nên lấy xã tắc làm trọng, quân không thể thu, bính lính không thể rút lui được!”
Du Thông Nguyên và Du Thông Uyên cũng khóc lóc nói: “Ơn sâu của chúa công khiến anh em họ Du chúng tôi dù có tan xương nát thịt cũng không thể báo đáp cho hết được.
Khi cơ nghiệp sắp thành mà rút binh cũng không phải là mong muốn của anh trai chúng thần”. Mọi người đều khẩn khoản can gián, Chu Nguyên Chương nghe có lý, đành phải gạt nước mặt nói: “Được! quân sư, hãy nhớ cho kỹ, sau này nếu có phong thưởng thì Bích Tuyền sẽ là người đầu tiên”.
Sau này khi khởi nghĩa thành công, Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh, xưng làm hoàng đế đã tổ chức quốc tang cho Du Thông Hải, truy phong làm Quắc Quốc Công, thụy hiệu là Trung Liệt.
Du Thông Nguyên được phong làm Nam An Hầu còn Du Thông Uyên được phong làm Việt Tuyển Hầu. Ngoài ra, Chu Nguyên Chương còn đặc cách hạ lệnh cho Lưu Bá Ôn giúp mình xây dựng một căn nhà thật đẹp tặng cho anh em họ và con cháu họ Du.
Lưu Bá Ôn cùng với ba anh em họ Du đều sống chêt vì Chu Nguyên Chương đánh lấy thiên hạ, lập nhiều chiến công. Trong quá trình khởi nghĩa, hai bên cũng có thể nói là vào sống ra chết cùng nhau, tình cảm sâu nặng.
Nay được Chu Nguyên Chương giao việc xây nhà cho họ Du, Lưu Bá Ôn đương nhiên không có lý do gì để không làm hết sức mình. Vì thế, ngôi nhà mà Lưu Bá Ôn xây dựng cho anh em họ Du hết sức nguy nga tráng lệ. Ngoại trừ hoàng cung, tại Nam Kinh không có ngôi nhà nào có thể sánh kịp với căn nhà này.
Tuy nhiên, người đời xưa thường nói, cây càng cao thì gió càng lớn. Căn nhà quá to, thường bị người ta lấy ra so sánh với hoàng cung của anh em họ Du đương nhiên khó tránh khỏi việc mang theo mầm họa.
Thừa tướng Hồ Duy Dung trước mặt Chu Nguyên Chương đã bẩm tấu rằng: “Bệ hạ phong công, phong hầu cho nhà họ Du, lại còn tổ chức quốc tang cho Du Thông Hải, có thể nói là đối đãi với họ không hề bạc. Nay bệ hạ lại xây cho nhà họ Du một căn nhà to đẹp như vậy, sợ rằng…”
Chu Nguyên Chương ngắt lời họ Hồ, nói: “Bích Tuyền công ở trên tất cả mọi người, đó là ý trẫm quyết định”. Hồ Duy Dung vẫn chưa chịu thôi, nói: “Đây là chỗ nhân hậu của bệ hạ. Tuy nhiên, đây có lẽ sẽ là điều bất lợi cho xã tắc”.
Chu Nguyên Chương bắt đầu để ý, hỏi: “Vì sao?” Hồ Duy dung chỉ vào căn nhà cao ngất của nhà họ Du nói: “Bệ hạ xem, mây khói thành vòng, nhà họ Du xuất hiện vương khí!” Chu Nguyên Chương nghe thấy hai chữ “vương khí” thì trầm ngâm không nói.
Hồ Duy Dung biết cơ hội đã tới, nói tiếp: “Du Thông Hải khi còn sống đức cao vọng trọng, bộ hạ cũ đều quen nghe chỉ huy của ông ta. Nay Thông Nguyên và Thông Uyên đều giữ chức vụ quan trọng, hậu duệ của Thông Hải lại đều là những người xuất sắc.
Nếu một ngày nào đó họ có chí khác thì thiên hạ của Đại Minh e rằng không được bền lâu”. Vốn tính đa nghi, lại chỉ lo có kẻ tranh giành thiên hạ với mình nên khi nghe những lời này của Hồ Duy Dung, Chu Nguyên Chương không khỏi gật đầu, nói: “Ngươi nói nên làm thế nào?”Hồ Duy Dung nói ngay: “Dỡ nhà, phá vương khí”.
Vừa may, câu chuyện mới tới đó thì Lưu Bá Ôn tới. Vừa nghe thấy lời của Hồ Duy Dung, trong lòng Lưu Bá Ôn đã thất kinh. Nếu như dỡ nhà thì chẳng phải nhà họ Du cũng bị hủy hoại hay sao?
Lưu Bá Ôn định lên tiếng ngăn cản Chu Nguyên Chương, tuy nhiên, chợt nghĩ, nay Chu Nguyên Chương đã là hoàng đế chứ không còn là người ra sống vào chết với nghĩa quân khi xưa nữa, nếu không cẩn thận có thể mất mạng như chơi.
Chợt trong đầu Lưu Bá Ôn lóe lên một cách. Ông vội bước vào trong phòng nói với Chu Nguyên Chương: “Hoàng thượng, khi xây dựng thần đã sơ ý xây nhà của họ Du quá cao. Thần đang định đến gặp hoàng thượng để xin ý kiến về việc giải trừ vương khí của nhà họ Du”.
Chu Nguyên Chương thấy vậy hỏi: “Tiên sinh có kế gì không?” Lưu Bá Ôn nói: “Cá (trong tiếng Hán, chữ cá với họ Du có cách đọc như nhau, vì thế cá ý chỉ nhà họ Du) mà ra biển thì có thể hóa rồng. Nay thần chỉ cho căn nhà họ Du một cái giếng.
Lại thêm, cá vốn rất sợ mèo ăn thịt vì thế, thần đã phái một con mèo canh giữ trước cửa, cá chỉ cần lò đầu ra thì mèo có thể nuốt gọn. Như vậy, chẳng cần phải tốn công sức dỡ nhà khiến mất lòng dân, phá hoại cảnh thái bình thịnh trị mà vẫn có thể trừ được vương khí nhà họ Du. Hoàng thượng thấy sao?”
Chu Nguyên Chương nghe kế của Lưu Bá Ôn thấy hợp lý bèn nói: “Cứ theo cách của tiên sinh mà làm”.
Sau khi được sự đồng ý của Chu Nguyên Chương, Lưu Bá Ôn đã bày “bát quái trận” xung quanh nhà họ Du. Ông lệnh cho quân sĩ dựng một tấm bia đá ở trước cửa nhà họ Du, bên trên bia khắc hình hơn 100 con mèo.
Phía trước của tấm bia là một cái giếng. Phía sau nhà là một bức tường chặn kín. Phía Đông của căn nhà là một đài câu cá. Sau đó, Lưu Bá Ôn nói với Chu Nguyên Chương: “Nếu như một ngày nào đó, con cá này phá cửa mà ra thì sẽ bị hơn 100 con mèo nuốt chửng.
Nếu như có chạy thoát khỏi 100 con mèo thì phía sau là tường chắn, hai phía Đông Tây là đài câu cá, tầng tầng lớp lớp bao vây, nó cũng không thể ra được tới biển để biến thành rồng được. Muốn có nước chỉ còn cách là xuống chiếc giếng ở trước nhà. Cá mà sống ở giếng thì không thể nào làm nên trò trống gì được”.
Chu Nguyên Chương thấy rằng sắp đặt như vậy, nhà họ Du sẽ không bao giờ có thể ra tới biển để trở thành rồng thì vui mừng lắm, thưởng cho Lưu Bá Ôn rất hậu hĩnh.

LƯỢNG THIÊN XÍCH. St

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Phong thủy kinh thành Huế với tổng công trình sư Vua Gia Long

Phong thủy thực hành trong cuộc sống hiện đại